Helu mọi người,

Một bài viết dang dở từ ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), nhưng hôm nay mới ngồi xuống viết cho xong, hi vọng dù trễ nhưng nội dung vẫn có giá trị dành cho các bạn trẻ nha.

Hôm nay ngày Doanh nhân Việt Nam, thay vì lên viết những lời chúc mừng những anh chị đã và đang là doanh nhân, vẫn đang cố gắng nỗ lực tạo ra thành quả mỗi ngày cho sự nghiệp và công việc kinh doanh của mình, Diệp lại muốn tâm sự với các bạn trẻ, thế hệ sẽ trở thành những doanh nhân mới trong tương lai gần, và chia sẻ những đắng cay, ngọt bùi của hơn 10 năm bắt đầu đi làm đến nay. 

Mặc dù chưa có thành công nào quá xuất sắc để được gọi là doanh nhân, nhưng với Diệp – doanh nhân cũng chỉ là danh xưng thôi, việc chúng ta hiểu mình đang làm gì, đạt được mục tiêu gì và tạo ra giá trị gì cho mọi người xung quanh và xã hội mới quan trọng, mà những điều đó không nhất thiết phải la lên để mọi người tung hô trong một danh xưng. 

Các bạn biết tại sao giờ Diệp mới mạnh dạn chia sẻ những điều này không? Bởi sau nhiều năm đi làm có nhiều trải nghiệm, có thất bại, có hân hoan mới có cái để chia sẻ với các bạn trẻ đó. 

Rồi các bạn có biết, tại sao nhiều cuốn sách vĩ đại nói về những phương pháp, kỹ năng, bí quyết thành công nhưng khi chúng ta áp dụng thì sai bét không? Bởi chúng ta chưa có kinh nghiệm đó. 

Ví dụ như khi học bơi, ai chẳng biết quan trọng nhất là kỹ thuật thở và giữ thăng bằng. Nhưng có phải nghe biết đó nhưng thực hành cái là được ngay đâu, chắc cũng phải sặc nước vài lần là ít cho đến khi biết bơi biết lặn nhỉ? Quan trọng nhất của quá trình này là bạn có 1 người để hướng dẫn, dẫn dắt và bên cạnh để hỗ trợ kịp thời. 

Khi 20, Diệp không có nhiều người hướng dẫn và cơ hội tiếp xúc với nhiều phương tiện hay ho như hiện tại, chủ yếu vẫn là tự mày mò vấp ngã rồi rút ra bài học kinh nghiệm, mà cách đó áp dụng vào thời này là lỗ thời và lạc hậu ngay, nên Diệp nghĩ có vài điểm có thể chia sẻ cho các bạn trẻ áp dụng, thực hành ngay từ bây giờ, để không cần đạt cột mốc U30 như Diệp mới thấy thành quả nào đó. 

Hình ảnh của người phụ nữ U30+ chia sẻ đến bạn trẻ

Các bạn bắt đầu chưa? Let’s go nào!!!

1. Làm gì khi thấy thấy mông lung tuổi 20, không biết mình thích gì và nên làm gì? 

Thực ra không mông lung mới là bất thường, còn hơn 90% đa số đều có sự hoang mang tuổi 20. Học “đại học” nhiều khi là chọn đại, học đại chứ có biết mình muốn gì đâu, vậy nên sắp ra trường cũng chẳng biết mình sẽ làm gì. 

Nhờ hồi đó Diệp thích ngành marketing vì thấy nghề đó năng động, thế mà đến năm hai khi bắt đầu chọn ngành lại đắn đo, đi hỏi bạn bè, hỏi người thân nên học gì? Mà họ có hiểu về ngành này đâu nên họ cũng đưa ý kiến chủ quan của họ là ngành Quan hệ quốc tế nghe có vẻ xịn hơn trong khi ngành ấy ra trường làm gì chưa rõ. Thế mà Diệp nghe lời chọn theo, đến khi vào chuyên ngành mới biết mình chọn sai ngành, không còn đường lui nên đành bơi qua các học kỳ trong trạng thái sắp đuối! Suy cho cùng Diệp phải là người chịu quyết định cho lựa chọn của mình chứ không phải những người Diệp đã xin ý kiến. 

Bài học rút ra khi ấy là chúng ta có thể chọn sai ban đầu nhưng nhất định sẽ chọn đúng công việc mình thích. Có thể hỏi ý kiến của người khác để có thêm thông tin nhưng nên hỏi đúng người, đúng chuyên môn sẽ tốt hơn. 

Nói thiệt, Diệp thấy các bạn trẻ bây giờ giỏi quá, mới sinh viên nhiều bạn đã đi làm để tích luỹ kinh nghiệm, có bạn kiếm được lương đều đặn và thu nhập rất tốt nữa. Thật sự là rất nể các bạn. 

2. Có một rào cản mang tên “nỗi sợ” 

Bên cạnh các bạn rất ngầu lòi kia thì cũng có 1 bộ phận các bạn trẻ cái gì cũng “sợ”: sợ học sai, sợ chọn sai, sợ tốn thời gian, tiền bạc, công sức, sợ thua thiệt với bạn bè đồng trang lứa, sợ hỏi bị la… nên cuối cùng, chẳng dám làm gì! 

Haizzz… xin phép thở dài 1 cái trước khi chia sẻ tiếp. Hỡi các bạn trẻ ơi, bạn có biết 1 đời người, giai đoạn từ 20 – 30 tuổi là thời gian bạn được quyền sai – sửa – sai – làm lại – sai – bỏ – tìm cái mới và tiếp tục quy trình đó không? Như tuổi của chị giờ mà sai mới mệt nè, nhưng chị còn chẳng sợ sai. Huồng hồ các em sao lắm cái để sợ thế. Nhiều đến nỗi phí phạm thời gian mà thời gian có mua được hay quay lại được đâu.

Chiều nay cô bé trong team kể, “hồi đó giờ em thích đi học nhảy lắm, nhưng em sợ, em sợ mình nhảy không đẹp bằng người khác cái người ta nhìn mình.” 

Đấy, chỉ vì nỗi sợ “tào lao” như vậy mà bạn chưa dám đăng ký đi học thử. Diệp mới nói cho bạn ấy biết rằng:

“Con người chúng ta hầu hết ai cũng vậy, họ chỉ muốn tập trung vào bản thân thôi chứ không để ý đến người khác đâu, vì vậy đa số những lời người ta nói về bạn họ không nhớ nổi đến 1s sau đó, nhưng có mình bạn thì nhớ mãi không quên hoặc trở nên ám ảnh. Vậy nên, dẹp bỏ nỗi sợ do chính em hình thành rồi đăng ký học đi, em sẽ thấy chẳng ai để ý đến em đâu. Trừ khi em quá nổi bật (thiên tài chẳng hạn haha…)” 

Sự thật là như thế, cô bé ấy đã đăng ký đi học và mọi chuyện chẳng có gì đáng sợ như cô ấy tưởng tượng. Vậy việc của chúng ta là vượt qua ranh giới nỗi sợ cho chính mình tạo ra bằng cách, làm hoặc học tất cả những thứ mình thích. 

3. Trải nghiệm nhiều vào trước khi quá muộn! 

“Ta chỉ sống 1 lần trên đời, suy nghĩ lắm chi em ơi!” 

Nếu hình thành tư duy dấn thân này sớm, Diệp tin các bạn trẻ sẽ trải nghiệm được rất nhiều điều cực kỳ thú vị và cơ hội để tìm được đam mê, ước mơ và thành công cũng sẽ nhanh hơn. 

Khi còn trẻ, chịu khó trải nghiệm nhiều vào. 

Vậy trải nghiệm ở đây là gì? 

Là học, chịu khó đọc sách để học kinh nghiệm từ người viết sách, rồi sau đó lao vào đời để trải nghiệm cho chính mình. Bạn thích gì thì đọc sách đó nhưng phải rèn luyện thói quen này. 

Ví dụ thích kinh doanh, đọc sách kinh doanh đi, rồi mày mò làm thử theo hướng dẫn để có bài học của riêng mình. 

Thích nấu ăn, vẽ, nghệ thuật… cũng đọc sách thêm hoặc đăng ký khoá học, rồi làm. Kiến thức và kinh nghiệm chỉ thật sự là của chúng ta khi chính mình đã trải đời với chúng. 

Là chơi, du lịch, phượt… những hoạt động này không chỉ kết nối được rất nhiều bạn bè có cùng sở thích mà còn giúp chúng ta học thêm được nhiều kỹ năng mềm hay ho. 

Mỗi năm đi khoảng chục chuyến đi khác nhau để trải nghiệm

Nhớ hồi mới ra trường và bắt đầu đi làm, gần như tuần nào Diệp cũng tham gia với một nhóm phượt nào đó ngao du khắp núi, biển, rừng… vui lắm. Giờ ngẫm lại thấy thanh xuân của mình cũng sống động ghê, chẳng tiếc chút nào! Đến giờ nhiều bạn bè còn bảo rất thích cuộc sống của Diệp. 

Là vượt “lười”, đây cũng là con ma trì hoãn ai cũng có trong người nè! Không vứt bỏ được con ma lười bên trong bạn thì mọi thứ cũng công cốc thôi. 

4. Yêu là một dạng trải nghiệm đỉnh cao! 

Định viết riêng chủ đề này vào một bài khác, nhưng yêu là một trong những mùi vị phải nếm trải khi còn trẻ các bạn ơi!

Diệp không cổ suý cho chuyện yêu cuồng sống vội nhưng đối với Diệp, cảm xúc tuổi đôi mươi nó trẻ con, bồng bột, ngây thơ và điên rồ nhưng nếu không trải qua bạn sẽ lãng phí lắm. 

20 bạn có thể yêu quên lý trí, cảm xúc luôn mãnh liệt và tất cả đều rất chân thật thì 25 trở đi, tình yêu của bạn sẽ đầy suy tính, cân đo và đôi khi “nhạt” bởi khi đó bạn có công việc sự nghiệp, bạn phải nghĩ cho tương lai, gia đình… nên không thể chỉ biết yêu thôi chẳng biết gì. 

Với lại, khi cảm xúc thăng hoa trong tình yêu hay trạng thái thất tình với cảm giác đau, buồn, khổ sở vẫn là những trải nghiệm đáng giá, giúp chúng ta học được rất nhiều thứ đó.

Thật là Diệp yêu sớm lắm, tình yêu học trò đầu tiên đã từ cấp 2 và tình yêu người lớn đã từ cấp 3 rồi, giờ nhìn lại cũng thấy mình đã có một cuộc đời thú vị mà. Đôi khi còn nghĩ Diệp có thể viết 1 cuốn tiểu thuyết qua những mối tình ấy chứ. (đùa thôi!) nhưng để có 1 cô Diệp cân bẳng được cảm xúc như ngày hôm nay, cũng phải có 1 cô Diệp đã từng vật vả đau khổ trong tình yêu các bạn ạ!

Yêu cũng cần có kiến thức nhé, hãy tìm hiểu tất tần tật các thứ liên quan và chỉ thật sự trải nghiệm khi bạn “ready” nha. 

5. Trở thành nhà “quản lý tài chính cá nhân” xịn của chính mình 

Tài chính cá nhân là thay đổi tư duy về tiền bạc. 

Vì vậy không phải có tiền mới cần biết, mà là học và thực thành nhuần nhuyễn càng sớm càng tốt. Đây là một hành trình dài hơi chứ không phải một bài học trên giấy, sẽ cần rất nhiều nỗ lực, kiên trì, kiên định và đều đặn để hình thành tư duy này. 

Diệp hiểu được tầm quan trọng của tài chính cá nhân sẽ thay đổi cuộc đời của mình ra sao, Diệp cũng đã trải qua rất nhiều cảm xúc, giai đoạn của đồng tiền làm chủ cuộc sống của mình, vì vậy chỉ biết khuyên các bạn nhất định phải rèn luyện kỹ năng này càng sớm càng tốt.

Chuỗi bài “Hành trình tự do tài chính” của anh Hieu.TV quá chi tiết và quá hay rồi, nên bạn nào quan tâm có thể search trên Youtube/ Podcasts để tìm hiểu thêm, Diệp không chuyên về lĩnh vực này không dám múa rìu qua mắt thợ. 

Đấy, bấy nhiêu thôi cũng một mớ thứ cần được liệt kê vào sổ “những việc cần/ muốn làm” rồi phải không? Việc của bạn là đọc xong và bắt tay vào hành động ngay thôi. Dễ nhất là dành 1 buổi để viết hết ra giấy, làm được thôi bạn cũng đã thấy sự khác biệt rồi nhé. 

Chúc bạn bạn U20+ bước vào đời đầy bản lĩnh và ngạo nghễ để sống một cuộc đời đúng chất riêng nha! 

Nếu yêu thích bài viết này, đừng quên chia sẻ với mọi người xung quanh nha. 

Love,