Hello các nàng,

Hôm nay Diệp nói chuyện với một chị bạn, chị ấy bảo gần 2 năm nay chị ấy bị một cú sốc tâm lý, mất hết niềm tin vào bản thân, cuộc sống và thả trôi chính mình.

Chị nói đó là một mớ bòng bong của gia đình, họ hàng và cả công việc, đó thật sự là một cú sốc. Dù đã đi 2 bác sĩ tâm lý tâm lý khác nhau nhưng mọi chuyện không khá hơn được bao nhiêu. 

Chị bảo chị thấy mình vô thần, vô cảm hay sao mà dù cố gắng đi gặp bác sỹ, kể cả sư thầy, nghe kinh phật thì mỗi đêm, chị vẫn vật vã khổ sở với sự bi quan, tiêu cực. 

Dù đã 2 năm, nhưng mọi thứ chỉ tốt hơn được 10% dù chị cố gắng. Chị còn nói chính sự lạc quan tích cực của Diệp nên chị luôn dõi theo và ngưỡng mộ.

Nghe xong Diệp cũng thương chị quá, cũng khuyên chị một số cách để thay đổi góc nhìn của mình, rồi còn gửi cả sách Diệp thấy rất hữu ích để chị nghe nữa.

“I am A strong Woman Because A Strong Woman Raise me”

– Unknown Author –

Thông qua câu chuyện này, Diệp rất muốn viết một vài lời khuyên cho chị em phụ nữ để mình chủ động hơn trước những biến động bất ngờ trong đời. 

Trong cuộc đời, ai cũng sẽ gặp ít nhất vài cú sốc. Có thể là bị đuổi việc, chồng ngoại tình, mất người thân đột ngột, bị người thân lừa dối, bị bạo hành, trầm cảm sau sinh…

Tất cả đều là bài học của cuộc sống, rất muôn hình vạn dạng. Hoàn cảnh đến với mỗi người có thể khác nhau, nhưng thái độ tiếp cận hoàn cảnh, cách tư duy về cú sốc và đối diện với nó như thế nào thì cần đi qua các bước sau để vượt qua chúng. 

1. Chấp nhận hoàn cảnh đã xảy ra 

Đầu tiên hãy chấp nhận thực tế nó đã xảy ra. Thay vì ngồi đó và ước gì, giá như… rồi lại đau khổ vật vã, đắm chìm trong cú sốc. 

Diệp nhớ có một chị bạn, một tối chị post lên Facebook vỏn vẹn 2 chữ “I’m Shocked”, mình nhắn tin hỏi thăm có chuyện gì vậy thì chị ấy kể chị mới phát hiện ra chồng mình có tình cảm với người phụ nữ khác. Và anh ấy đã thừa nhận. 

Mình nghe xong còn sốc chứ huồng hồ người trong cuộc. Bởi anh ấy là tuýp người chỉ hướng về gia đình, vợ con. 

Nhưng chị ấy cũng là một người lạc quan, thông minh và lý trí, nên thay vì đau khổ, khóc lóc và làm mọi việc ầm ĩ lên vì cú sốc đó. 

Chị bình tĩnh, tìm hiểu nguyên nhân sâu xa tại sao chuyện này xảy ra? 

Bạn nên nhớ những gì chúng ta biết, thấy chỉ là 10% của tảng băng chìm. Phải bình tĩnh để tìm hiểu nguyên nhân thật sự của hoàn cảnh này là gì? Có phải từ mình ra hay không, bởi rất nhiều trường hợp chính chúng ta là nguyên nhân tạo ra hoàn cảnh hiện này. 

Với câu chuyện của chị bạn này là vì anh chồng đầu tư thua lỗ, công việc không ưng ý, anh không chia sẻ được với chị. Chị lại là người hướng ngoại, nên cũng hay ra ngoài tham gia các hoạt động khác nhau sau giờ làm việc. 

Chị cũng tâm lý biết anh đang stress, nên khi chị ra ngoài cũng rủ anh đi cùng, anh có thể đi uống bia, nghe nhạc, còn chị đi các hoạt động khác, về thì lại hẹn cùng nhau về. 

Nhưng chính những lần như thế, anh hay đến một quán bia nọ, cô gái phục vụ ở đó hay tới nói chuyện với anh, lắng nghe những vấn đề của anh khiến anh siêu lòng. 

Chị bạn mình rất tinh ý khi thấy chồng có gì đó khác khác. Chị hỏi chuyện anh và khi anh thú nhận thì chị thật sự sốc! 

Chị chọn cách nói chuyện, trao đổi thẳng thắn với chồng, lắng nghe câu chuyện của anh, không phán xét.

Chị nhìn nhận lại chính mình hình như mình cũng lơ la anh, ít chăm sóc cho gia đình, ham vui cho bản thân quá, không ở bên anh ấy nhiều nên mới có người chen vào được. 

Thẳng thắn thừa nhận, chị tự thay đổi chính mình, dành thời gian cho gia đình nhiều hơn, giảm các hoạt động bên ngoài. Chị cũng cho anh thời gian, cơ hội để cả hai cùng cố gắng. 

Sau nổ lực vun vén, khoảng gần 1 năm sau gia đình chị lại hạnh phúc bên nhau. 

Đây chính là chấp nhận chuyện đã xảy ra và tìm nguyên nhân thật sự của vấn đề để tìm cách giải quyết. 

2. Chấp nhận nỗi đau và đặt ra giới hạn

Chẳng có chuyện sốc nào mà không đau khổ, khủng hoảng, bất ngờ và cả sự tổn thương.

Vậy nên, hãy chấp nhận nó đã xảy ra thay vì né tránh, bởi vì như một phản xạ tự nhiên của luật hấp dẫn, bạn càng trốn chạy nó càng đeo bám bạn. 

Nếu buồn… cứ buồn!

Nếu có thể khóc… hãy khóc!

Nếu có thể hét lên… hãy hét thật to!

Nếu phải đập gì đó… hãy đập gối xuống giường.

Nhưng tuyệt đối, lúc này bạn không được làm tổn thương thân thể của mình. 

Kể cho các bạn nghe một câu chuyện của Diệp. 

Hồi sinh viên, Diệp quen một anh và bị phản bội khi anh cặp với nhân viên của anh ta. Khi Diệp biết, cũng ghen tuông và làm ầm lên, trong lúc cãi nhau anh ta tức quá đấm rất mạnh vào tường ngay chỗ Diệp đứng, vì không kiểm soát được nên cú đấm đó sượt qua mặt Diệp khiến Diệp bị trầy 1 bên mặt. 

Lúc đó Diệp đã nghĩ anh ta đấm mình nên cảm giác tủi nhục xâm chiếm, Diệp chạy vào một góc tối và khóc cho sự tủi nhục đó. 

Lần đầu tiên và duy nhất trong đời Diệp muốn lao ra đường cho xe cán để chấm dứt cảm giác nhục nhã bị đàn ông đánh vì người đàn bà khác. 

Cũng may lúc đó ba mẹ, gia đình xuất hiện trong tâm trí và mình ko thể làm gì ngốc nghếch khiến họ đau lòng và thất vọng được. 

Bây giờ, khi hiểu hơn về nhân quả – nghiệp chướng, Diệp lại càng không dám làm tổn hại bản thân, bởi vì việc tự kết thúc đời mình là tội rất nặng trong đạo Phật. 

Ngày sau hôm sau Diệp bình tĩnh hơn thì thấy người đàn ông đó không xứng đáng để mình phải đau lòng và Diệp thay đổi suy nghĩ của mình nhanh chóng để sẵn sàng kết thúc mọi thứ. 

Còn bạn, hãy đặt ra thời hạn cho mình được phép ở trong trạng thái này bao lâu? 

Ví dụ 1 ngày, 1 tuần, 1 tháng…

Vậy làm thế nào để vượt qua nổi buồn này?

Sau khi thời hạn đã kết thúc, bạn không nên cho phép bản thân tiếp tục chìm đắm trong nỗi đau khổ, tiêu cực ấy nếu không muốn nó nuốt chửng bạn và bạn không thể thoát ra. 

3. Thái độ của bạn khi tiếp cận vấn đề 

Điểm này rất quan trọng, bởi thái độ của chúng ta sẽ quyết định hành động và cho ra kết quả tương ứng. 

Chúng ta không thay đổi được ai khác ngoài chính mình. Vậy nên thay vì lựa chọn thái độ tiêu cực hủy hoại chính mình. Hãy thử lựa chọn tích cực hơn. 

Đầu tiên, hãy viết nhật ký cú sốc của mình. Viết tất cả cảm xúc này ra nếu không thể chia sẻ được với ai.

Viết là phương thuốc cực kỳ cực kỳ hữu hiệu để mình có thể bộc lộ tất cả cảm xúc mà không sợ ai phán xét. 

Cứ viết, viết hết cảm xúc dồn nén ra, không cần phải đặt tên, không cần quan tâm nó hay dở, ngữ pháp… chỉ cần bạn thành thật với chính mình. 

Sau khi viết xong, bạn có thể không cần đọc lại. 

Tiếp theo đó chính là thực hành “Lòng biết ơn” 

Diệp có một câu thần thú rất hay sử dụng khi tâm trí bắt đầu sáng tạo ra các tình huống tiêu cực (não bộ của chúng ta rất giỏi làm điều này khi được rảnh rỗi). Đó là câu thần chú Ho’oponopono

I’m sorry /Tôi xin lỗi

Please forgive me / Hãy tha lỗi cho tôi

Thank you / Cảm ơn bạn

I love you! / Thương lắm!

Đây không chỉ là lời biết ơn dành cho chính mình, hãy biết ơn cuộc sống, những người thân yêu, những người xuất hiện trong đầu bạn, mà kể cả người gây ra cú sốc cho bạn. 

Hãy tin Diệp, khi bạn thay đổi thái độ và thực hành lòng biết ơn, bài học khó khăn của bạn sẽ sớm qua.

Diệp đã thực hành khi chia tay anh bạn trai trong một lần cãi nhau vì bất đồng quan điểm.  

Những ngày sau, khi buồn hoặc tiêu cực xuất hiện, Diệp thực hành lòng biết ơn và nghĩ lại những hành động tốt anh ấy đã dành cho mình, biết ơn và trân trọng vì điều dó. 

Biết ơn vì thời gian 2 đứa đã có với nhau và giữ lại những kỷ niệm vui của 2 đứa như một hành trình đẹp. Vậy đó!

Nói thì có vẻ dễ, nhưng thực hành cần thời gian. Nhưng tất cả đều là SỰ LỰA CHỌN!

Lựa chọn giữ lại nỗi đau cũng là bạn. 

Lựa chọn giữ niềm vui cũng là bạn. 

4. Lên kế hoạch hành động 

Sau khi trải qua các cung bậc khác nhau và cho phép bản thân có khoảng thời gian “đứng lại”, hãy lên kế hoạch cụ thể để bắt đầu một chương mới trong cuốn sách cuộc đời mình.

Đầu tiên, lật sang một trang giấy mới và viết vào 9 chữ “Tôi sẵn sàng lên kế hoạch cho tương lai”

Chỉ khi chúng ta điều khiển não bộ bắt nó hoạt động theo suy nghĩ của mình, chúng ta sẽ dịch chuyển sang trạng thái cảm xúc mới. 

Lúc này, hãy viết về những điều bạn thích, việc bạn muốn làm, nơi bạn muốn đến, người bạn muốn gặp, thói quen mới cho bản thân.

Khủng hoảng là cơ hội để chuyển hóa bản thân mình tốt hơn. Vì vậy dù bài học vũ trụ gửi đến cho bạn có khó thế nào, cũng hãy đối diện và học cách chữa lành chúng. 

Chỉ dành 30 phút đến 1 tiếng để viết ra hết kế hoạch này và bắt đầu từ việc nhỏ nhất. Liệt kê thôi, dễ mà! Đừng trì hoãn.

Ví dụ như phi tới tiệm cắt tóc và đổi một kiểu tóc thật mới, một diện mạo mới 😀 (Hình như đây là cách dễ nhất được mọi người thường hay làm nhất và rất hiệu quả tức thời). 

Sau đó bắt đầu xây dựng cho mình những thói quen mới tích cực hơn, hoặc follow những người luôn có tinh thần lạc quan, góc nhìn tích cực để học hỏi mỗi ngày. 

Nếu bạn thấy tình trạng của bạn khá nặng, bạn có thể tìm đến các chuyên gia để chia sẻ vấn đề của mình như bác sĩ tâm lý, bạn bè, kể cả người lạ (như Diệp) để có thể cho bạn một vài lời khuyên. 

Nhưng hãy nhớ rằng, ai nói gì thì nói, giúp bạn các phương pháp gì đi nữa thì người quyết định, lựa chọn thay đổi chỉ có DUY NHẤT CHÍNH BẠN mà thôi. Vậy nên, không ai khác giúp bạn tốt nhất ngoài CHÍNH MÌNH

Ai trong đời cũng phải nhận đủ vui buồn, đắng cay, hạnh phúc. Diệp hiểu điều đó nên khi gặp vấn đề khó, Diệp luôn suy nghĩ rằng mình may mắn và hạnh phúc hơn triệu người khó khăn ngoài kia. Vậy nên chuyện này có đáng gì đâu mà phải than thở, trách móc ai. Rồi mọi chuyện sẽ tốt dần lên.  

Đặc biệt, với chuyện tình cảm, Diệp thường hay nói vui rằng “Đời còn dài, trai còn nhiều”, chia tay anh (bạn trai/ chồng) này là cơ hội để mình tìm được người khác tốt hơn và phù hợp hơn. Vậy thôi! 

5. Học cách yêu thương và chăm sóc chính mình 

Mục tiêu sống của bạn là gì?

Có phải là một đời bình an và hạnh phúc? Tất cả những điều này chỉ đến khi chính bạn tạo ra nó bằng cách yêu thương, trân trọng và tạo ra hạnh phúc với chính cuộc sống của mình đang có. Không phải từ người khác, không phải từ môi trường bên ngoài. 

Khi hiểu được ý nghĩa này, ngày nào đối với Diệp cũng là ngày mới, nhiều trải nghiệm và niềm vui, dù một mình! 

Hiện tại Diệp vẫn độc thân đấy thôi, chẳng bao giờ Diệp thấy cô đơn vì điều đó! 

Vậy nên Diệp tin rằng mỗi cú sốc trong đời đều có ý nghĩa của nó. 

Một là nó đánh bại bạn khiến bạn chết dần chết mòn, thua cuộc trước cuộc sống. 

Hai là trở thành người thầy, cho chúng ta kinh nghiệm để trưởng thành hơn. 

Đây là câu hát của Kelly Clarkson trong bài hát Stronger 

What doesn’t kill you. Makes you stronger. 

Chính xác, Điều gì không thể giết chết được bạn, chỉ có thể khiến bạn mạnh hơn. 

Vậy nên phụ nữ ơi, chị em ơi, đây là bài học của cuộc sống thôi! Đối diện để vượt qua và lựa chọn sống hạnh phúc nào. 

Diệp tin bạn sẽ làm được bởi bạn rất xinh đẹp và mạnh mẽ. 💛

Hi vọng, những chia sẻ này của Diệp có thể chạm được đến bạn và giúp bạn thay đổi góc nhìn, cũng như biến khó khăn thành cơ hội trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình ngày hôm qua nha!

Love,