Ai rồi cũng sẽ buồn, chắc chắn là như thế! 

Trong cuộc sống, mỗi ngày chúng ta đều trải qua nhiều cảm xúc hỷ nộ ái ố khác nhau. Vậy nên nỗi buồn cũng là một trải nghiệm cần được vỗ về, chăm sóc và chúng ta cần vượt qua nỗi buồn đó. 

Nỗi buồn hoàn toàn không phải thứ dư thừa, vô bổ trong cuộc sống của chúng ta. Nếu không có nỗi buồn, Diệp cũng không cảm nhận được niềm vui. Nỗi buồn giúp Diệp có thể lắng mình, suy ngẫm lại về những chuyện đã qua để biết mình đã mất gì và được gì. Nỗi buồn cũng giúp Diệp có thể đồng cảm hơn với người khác.

I’m not okay but I smile anyways.

– Unknown Author-

Nỗi buồn có thể đến bất chợt hay chủ động ở rất nhiều khía cạnh cuộc sống khác nhau. 

Buồn vì công việc, vì chia tay anh bạn trai lâu năm, vì người khác buồn, vì phải mất đi một ai đó hay vì bạn có một ngày thật tệ hại… 

Diệp cũng có những ngày cảm thấy buồn, thay vì cố gắng thay đổi trạng thái ngay-lập-tức, Diệp vẫn chấp nhận nó một cách chủ động và vẫn tìm ra những cách nhẹ nhàng từ từ chuyển hóa suy nghĩ của mình. 

Dưới đây là 11 cách Diệp thấy hiệu quả để áp dụng mỗi khi cảm thấy buồn. Mỗi cách sẽ hiệu quả trong từng hoàn cảnh khác nhau, vậy nên việc của mình là cứ thử áp dụng tất cả các cách cho đến thay đổi được cảm xúc vui vẻ và bình an nhé! 

Pha một tách trà nóng

Thật đấy, Không biết có phải do nước nóng và mùi thơm thảo mộc nhè nhẹ của trà khiến tâm trạng dịu bớt đi không. Nhưng liệu pháp siêu đơn giản này là hiệu quả với Diệp vô cùng. 

Diệp luôn có ít nhất 2 – 3 loại trà trong nhà để cần là có ngay! Một số loại trà bạn có thể thử như trà hoa: hoa cúc, hoa hồng, hoa nhài; trà thảo mộc; trà tâm sen… 

Bạn hãy thử nhé! 

một tách trà nóng có thể giúp ta bình tâm và vượt qua nỗi buồn

Viết nhật ký 

Viết ra tất cả những cảm xúc trong lòng mình dù nó khá tiêu cực. Mỗi khi buồn, Diệp sẽ mở ứng dụng NOTE trong điện thoại để viết, có hẳn một folder dành riêng cho những cảm xúc mang tên “Sadness”, nếu bạn có sổ để viết càng tốt nha. 

Thường Diệp sẽ không đọc lại cảm xúc đó đâu nhưng khi có một nơi để mình trải lòng, lại cảm thấy nhẹ nhõm đi rất nhiều thay vì cứ để trong lòng. 

Theo rất nhiều tài liệu Diệp đọc, liệu pháp này cực kỳ hữu ích và khuyến khích mọi người hãy thực hiện, viết ra cảm xúc của mình còn giúp chống được các bệnh về trầm cảm nữa đó. 

Đọc thì có vẻ dễ nhưng để dám viết ra nó không phải ai cũng làm được. Diệp đã có những lúc muốn viết ra nhưng lại trống rỗng, hỗn độn, không biết sắp xếp cảm xúc ra sao. 

viết nhật ký trải lòng giúp ta vượt qua nỗi buồn của bản thân

Lời khuyên của Diệp nếu bạn cảm thấy thế là cứ để dòng suy nghĩ tự nhiên đến và ghi lại nó, không cần quan tâm đúng sai, ngữ pháp, câu cú hay chính tả. Vì đây là cuốn nhật ký chỉ có mình bạn cất giữ, vậy nên viết gì hay vẽ gì đâu sợ ai đụng đến được. 

Dọn dẹp nhà cửa 

Sắp xếp lại nhà cửa, phòng ngủ, tủ quần áo, bếp hay chà nhà vệ sinh… đều có tác dụng hữu hiệu trong việc vượt qua nỗi buồn! Đây giống như động tác bạn sắp xếp lại mọi thứ gọn gàng hay dẹp bỏ những điều không cần thiết, như một phần tâm trí hay cảm xúc của bạn vậy đó. 

Diệp nhớ có từng nghe một chị bạn chia sẻ, mỗi lần chị ấy buồn và suy nghĩ tiêu cực, chị ấy đi chà toilet, chà rất lâu rất kỹ đến mức không còn một vết dơ. Nhưng sau đó, tâm trạng của chị như được cuốn trôi và sạch sẽ, mới tinh để lấy lại tinh thần và tiếp tục chiến đấu. 

Diệp thấy rất hay và cũng đã áp dụng, hiệu quả thiệt! Liệu pháp này thường được những người theo chủ nghĩa tối giản áp dụng, sắp xếp lại đồ vật trong không gian sống để thay đổi cảm xúc hiện tại. Hãy thử nha!  

Ngắt kết nối điện thoại 

Khi cuộc sống của chúng ta đắm chìm trong thế giới ảo online, những lúc tâm trạng buồn không phải là lúc để lên mạng xã hội than vãn, nhận vài cái like/ love/ sad của bạn bè xã hội. Việc lướt hết trang này đến trang khác cũng không giúp tâm trạng tốt hơn. 

Diệp cũng từng bị cuốn theo chiếc smartphone khi cứ lướt lướt trong vô định, kết quả thế nào bạn biết không? Nó khiến tâm trạng Diệp thêm rối tung, chán nản và tốn năng lượng và nhiều thời gian vô ích. 

Vậy nên, sau này khi nhận thức được cảm xúc của mình đang không ổn, Diệp chủ động “off” điện thoại vài tiếng để tập trung vào những việc khác hiệu quả hơn. 

Đọc sách hoặc xem một bộ film 

Nếu bạn là người thích đọc sách, đây là cách rất tốt để chữa lành. Thường thì Diệp sẽ chọn một cuốn sách về phát triển bản thân hoặc tâm hồn, đọc mục lục và chọn ra chương mình muốn đọc hoặc dở bất kỳ trang sách, để đọc ý nghĩa và thông điệp dành cho mình lúc đó là gì. Luôn luôn là một thông điệp tích cực để mình thay đổi góc nhìn nha. 

đọc sách hoặc xem một bộ film hay là cách tốt để ta vượt qua nỗi buồn

Còn nếu bạn thích xem film, hãy chọn một bộ film hài hoặc tình cảm nhẹ nhàng để thay đổi tâm trạng và vượt qua nỗi buồn. Đừng đổ thêm dầu vào lửa với những bộ film sướt mướt, bi đát khiến mình tệ hơn! 

Nghe Podcast truyền cảm hứng 

Gần đây Diệp nghe rất nhiều, Diệp nghe khi nấu ăn, dọn dẹp, trước khi đi ngủ… Diệp hay chia sẻ trên mạng xã hội điều này. Vậy nên khi buồn, Diệp vẫn tiếp tục nghe. 

Diệp chọn nghe những chủ đề phù hợp với trạng thái của mình lúc đó được những người truyền cảm hứng chia sẻ cách họ vượt qua như thế nào, góc nhìn của họ… Có lẽ Diệp cũng là người hướng đến những điều tích cực nên Diệp rất nhanh tiếp thu những ý tưởng họ chia sẻ và nhanh chóng thay đổi được cảm xúc của mình. 

để vượt qua nỗi buồn thì podcat cũng là một ý hay với ta

Một số ứng dụng bạn có thể nghe được Podcast như Podcasts trên Iphone, Spotify, Voiz FM

Nói chuyện với người chỉ lắng nghe  

Đôi khi tất cả những gì chúng ta cần chỉ là được lắng nghe! 

Không cần người bạn ấy phải cho bạn lời khuyên hay làm bất cứ điều gì. Đơn giản chỉ là nghe chúng ta nói cảm xúc trong lòng ngay thời điểm đó. 

Nhớ có một lần bé em mình, 12h đêm rồi còn nhắn tin cho mình bảo nói chuyện một chút không? Mình bảo “Chị cho em một cơ hội” rồi mình gọi điện cho ẻm. Hai chị em nói cả tiếng, em ấy kể về những việc hiện tại đang phải đối mặt, và thèm có một người gặp em ấy không hỏi về công việc và nói chuyện phiếm. Vậy nên việc mình nghe em ấy nói, không đưa ra bình luận này hay nhận xét nào lại giúp em ấy trút bầu tâm sự, vơi đi bớt những cảm xúc đang có. Chỉ vậy thôi!  

Nếu bạn cần một người chỉ lắng nghe, Diệp luôn sẵn sàng để nghe câu chuyện của bạn.

Thực hành lời biết ơn

Đây là điều Diệp thực hành nhiều nhất mỗi ngày. Buồn mà lại biết ơn nỗi buồn, bạn làm được không? Hãy thử đi! Bạn sẽ thấy  cảm xúc cực kỳ khác. 

Có lần Diệp cãi nhau với anh bạn trai, đang cơn điên cùng nỗi buồn tủi, Diệp cố gắng hết sức để giữ bình tĩnh và thực hành “Lời biết ơn”, thay vì tập trung vào vấn đề đang xảy ra, Diệp nhớ lại hết những điểm tốt đẹp, những hành động, việc làm anh ấy đã đối xử tốt với mình và biết ơn vì điều đó. 

Rất nhanh sau đó, cảm xúc giận dữ qua đi và mình bình tâm hơn để suy xét vấn đề, giải quyết một cách êm đẹp trong hòa bình. Vậy nên thực hành liệu pháp này sẽ giúp ích cho bạn nhiều lắm. Thật đấy! 

Thay đổi góc nhìn tích cực 

Khi buồn hay tức giận nhìn đâu cũng thấy tiêu cực. Có một câu Diệp đọc được và rất thích 

“Nóng nảy là bản năng, kiềm chế được là bản lĩnh” 

Vậy nên khi tâm trạng tiêu cực, càng chậm lại, lắng lại và đặt mình vào hoàn cảnh ấy, vị trí ấy của người khác để thay đổi góc nhìn, suy nghĩ tích cực hơn mới là người thông tuệ. 

Dĩ nhiên, không phải ai cũng cũng có sẵn khả năng này, nó cần thời gian để chiêm nghiệm và thực hành để trưởng thành hơn về mặt nhận thức. 

Dù mọi người luôn nhìn nhận Diệp là người tích cực, nhưng thật sự Diệp vẫn phải học hỏi mỗi ngày.   

Làm đẹp đi! Dưỡng da đi! 

Buồn và làm đẹp có liên quan gì nhau? Có chứ, buồn mà vẫn đẹp tốt hơn nhiều buồn mà xấu mà. Vậy nên hãy là nàng ther đẹp trong nỗi buồn của mình. Đi dưỡng da, đắp mặt nạ, lôi hết đồ nghề ra makeup và chụp lại nỗi buồn ấy. 

Khi nào vui lại hãy up lên mạng xã hội với caption “Khi tôi buồn!”, chắn chắn bạn sẽ phì cười khi mọi người comment “Buồn mà đẹp vậy đó hả?”. Thế là lần sau, khi buồn bạn chắn chắn sẽ lại làm đẹp thôi! 

làm đẹp, dưỡng da là cách để ta phát triển bản thân cũng như vượt qua nỗi buồn

Khóc 

Đây là điều số 11 Diệp muốn nhắc đến, đặt cuối cùng. Lại rất quan trọng! 

Khóc là khi chúng ta để cảm xúc được tuôn trào, không kìm nén. 

Có những buổi sáng vừa tỉnh giấc, Diệp nằm trên giường và khóc. Có lẽ ít ai có thể hình dung là một cô gái nhiều năng lượng như Diệp có lúc cũng thế, nhưng đó là sự thật! 

Khóc không khiến Diệp cảm thấy mình thật đáng thương, ủy mị hay yếu đuối. Ngược lại, sau khi khóc xong Diệp như được tiếp thêm sức mạnh, đứng lên và tiếp tục thực hiện mục tiêu của mình. 

Vậy đó, 11 tips nho nhỏ để vượt qua nỗi buồn của Diệp đó, còn bạn thì sao? Hãy chia sẻ thêm với Diệp về cách của bạn để học hỏi và tăng trải nghiệm của nhau nha. 

Hi vọng bạn có thể bỏ túi một tip nào đó cho riêng mình để vượt qua nỗi buồn và đừng quên ủng hộ để Diệp có thể chia sẻ nhiều chủ đề khác nữa nha.

Nếu bạn có thắc mắc hay chia sẻ gì đừng ngần ngại liên hệ với Diệp tại đây nhé!

Love,